Cao huyết áp rất nguy hiểm và được xem như “kẻ giết người thầm lặng”. Nhận biết sớm triệu chứng huyết áp cao giúp bạn kịp thời tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nhận biết triệu chứng huyết áp cao
Huyết áp cao là gì?
Huyết áp cao (tăng huyết áp, cao huyết áp) là bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Tăng huyết áp gây ra áp lực cho tim, là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,…
Huyết áp được thể hiện bằng chỉ số tâm thu và số liệu tâm trương, được đo bằng đơn vị mmHg.
Khi cao huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến mạch máu tổn hại theo thời gian.
Các loại cao huyết áp
- Cao huyết áp vô căn: không có nguyên nhân cụ thể, chiếm tỉ lệ 90%.
- Tăng huyết áp thứ phát: liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim, bệnh nội tiết.
- Cao huyết áp tâm thu đơn độc: chỉ có huyết áp tâm thu tăng, huyết áp tâm trương bình thường.
- Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm huyết áp cao thai kỳ và tiền sản giật: cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.
Huyết áp cao là bao nhiêu?
Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC (Hiệp hội tim mạch Châu Âu) năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:
- Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg.
- Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên.
- Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên.
- Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên.
- Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên.
- Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên.
- Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.
- Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu lớn hơn 120 – 139 mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn 80 – 89 mmHg.
Triệu chứng huyết áp cao
Dựa vào các chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương để nhận biết cao huyết áp. Chỉ số có thể thay đổi theo giới tính, tuổi tác và thói quen sinh hoạt. Bạn có thể nhận biết bằng việc sử dụng máy đo huyết áp.
Các triệu chứng huyết áp cao rất phức tạp, có biểu hiện khác nhau và tùy thuộc vào thể trạng từng người:
- Nhịp tim không đều: phổ biến hơn khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg, vì tim phải làm việc nhiều hơn và nhanh hơn để đẩy máu vào mạch máu, duy trí cung cấp máu cho toàn bộ mô cơ thể.
- Vấn đề về thị lực: huyết áp tăng cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ mang máu đến bộ phận khác nhau của mắt, ngoài ra còn gây tổn thương dây thần kinh thị giác.
- Nhức đầu: các cơn đau đầu dữ dội.
- Đau ngực nhẹ liên quan đến đánh trống ngực, ra mồ hôi, khó thở và buồn nôn.
- Chóng mặt đột ngột, cơ thể mất thăng bằng hoặc việc đi lại khó khăn.
- Đỏ bừng mặt có thể là dấu hiệu tăng huyết áp tạm thời, phản ánh huyết áp đang lên cao.
Theo các chuyên gia, triệu chứng huyết áp cao đều không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường, hầu hết không xảy ra cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng. Lúc này, biến chứng tim mạch có thể đột ngột xuất hiện, tước đi mạng sống trong chớp mắt.
Điều trị huyết áp cao
Mục đích điều trị huyết áp cao là giữ cho huyết áp dưới 140/90 mmHg hoặc thấp hơn nữa đối với bệnh nhân đái tháo đường, bệnh thận mạn tính kèm theo (thông thường là dưới 130/80 mmHg). Điều trị cao huyết áp rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau thắc ngực, suy tim.
Người bệnh cao huyết áp có thể điều trị bằng thuốc và kết hợp thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Một số biện pháp khắc phục cao huyết áp tại nhà:
- Chế độ ăn uống lành mạnh.
- Tăng cường hoạt động thể chất.
- Giảm cân khi thừa cân.
- Quản lý căng thẳng, giảm stress.
- Áp dụng lối sống lành mạnh.
Bạn nên trang bị thiết bị máy đo huyết áp điện tử tại nhà để theo dõi huyết áp thường xuyên, phát hiện sớm triệu chứng huyết áp cao để ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Trên đây là triệu chứng huyết áp cao và một số thông tin cơ bản. Hy vọng bạn đã có kiến thức cần thiết để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này!